Đối với các khủng hoảng đời thường, tôi có một mô hình giúp đối diện, giải toả, xử lý khá hiệu quả. Để cho dễ nhớ, tôi đặt tên nó là S.T.R.E.S.S ( mặc cho sau này khi nhìn lại, tôi luôn thấy rất buồn cười khi một mô hình giải toả stress lại có tên là stress luôn, thật vi diệu).
Vâng, và dưới đây là mô hình S.T.R.E.S.S thưa quý vị:
Tình huống giả sử là quý vị đang cảm thấy stress điên lên được. Bây giờ chúng ta sẽ cùng:
1. S - Stop, Sit down: dừng lại các hoạt động phân tâm, ngồi xuống và chấp nhận bản thân.
Thật đấy, khi rối rắm chúng ta lại thường hành động rất nhiều, tìm kiếm rất nhiều, cố lấy đủ thứ dữ liệu bên ngoài để đánh lạc hướng bản thân. Những việc này đều tốn năng lượng vốn đã đang ít ỏi của ta, và lại phụ thuộc quá nhiều vào các yếu tố bên ngoài mà ta không kiểm soát được: một chuyến đi nào đó, một ai đó khác, một thú vui nào đó, hay là thời tiết,... nên hên xui ghê.
Khi rối trí, buồn bực, dừng lại, ngồi xuống, có mặt cho bản thân như một người bạn tốt của chính mình mới là cách mình hay làm, và nó hiệu quả.
2. T - Transform: chuyển hoá cảm xúc, ý nghĩ.
Bước tiếp theo sau khi dừng lại, hãy thử để cho các cảm xúc và ý nghĩ được lên tiếng. Hãy để chúng được diễn ra. Quan sát các biểu hiện trên cơ thể, sau đó quan sát cách tâm trí đang vận hành. Chỉ quan sát bản thân, tạm dừng các hành động phát sinh từ đó. Đây là một bước dừng lại mà các đạo tu tập vẫn thường nhắc tới nè :))
Ví dụ như: cơn giận này làm tim tôi nghẹt lại, tay tôi run lên, tôi thở gấp, mặt tôi đỏ bừng. Tâm trí tôi suy diễn 1001 lý do để tôi sẽ hét vào mặt người đó, tôi sẽ gọi điện dù bây giờ là nửa đêm, tôi sẽ nhắn 2 tỉ cái tin.
Nhưng tôi không làm thế. Tôi để cơn giận được diễn ra trong mình. Mười mấy phút sau, các biểu hiện cơ thể dịu lại.
Tôi lắng nghe các tiếng nói tâm trí trong mình. Tôi nhận ra ngoài tiếng nói phẫn nộ của sự tức giận, còn có các tiếng nói khác, của trí tuệ và tình thương, có những ý nghĩ khác. Chúng đều có nguyên nhân nên mới xuất hiện. Tôi sẽ nhìn sâu được hơn vào chúng. Tôi KHÔNG PHẢI là những cảm xúc và ý nghĩ này. Tôi làm chủ bản thân, cho phép chúng được diễn ra lành mạnh và chuyển hoá. Muốn khóc cứ khóc, miễn có 1 không gian đủ an toàn.
Tâm trí và cơ thể lắng dịu lại, tôi không đè nén bản thân, nhưng cũng không phát sinh hành động mất tỉnh táo.
Đó là một quá trình đồng hành cùng bản thân, giải phóng cảm xúc, tư duy, thêm thấu hiểu bản thân, đem tự do tới cho những ách tắc.
3. R: Relax - Refill: thư giãn, sạc lại nào
Sau đó sẽ là chuỗi hoạt động thư giãn và sạc lại cho bản thân. Bạn có thể tìm ra những thú vui lành mạnh. Bạn có thể kết nối với thiên nhiên, bạn bè, gia đình, thậm chí những người lạ. Bạn có thể nhìn nhận vẻ đẹp cuộc sống ở mọi nơi, tràn đầy xung quanh. Hoặc đơn giản là không làm gì cả, chỉ nghỉ ngơi. Khả năng thư giãn một mình - vẫn vui là một năng lực thần kỳ, thật đấy!
Không cần yếu tố nào chi phối cả, chúng ta vẫn có thể tự khiến bản thân thấy đầy đủ, căng tràn bằng cách kết nối với thế giới xung quanh chính mình và tìm ra niềm vui tự thân.
Sau khi đã xả bớt được rất nhiều cảm xúc, thì thư giãn và sạc lại thôi!
4. E - Evoke: gợi nhớ
Nghỉ ngơi đủ rồi thì bạn có thể bắt đầu gợi nhớ cho bản thân về những giá trị của chính bạn, những gì bạn trân trọng, cuộc sống bạn muốn có, ước mơ của bạn. Ngoài tiền bạc, chồng con, công việc ổn định ra, còn có những giá trị nào mà bạn theo đuổi không? Có điều gì bạn đã từng ấp ủ nhưng đã quên mất? Bạn đang có những thế mạnh nào để tiến gần hơn với phiên bản mà bạn muốn ở chính mình?
Đây sẽ là một cuộc trò chuyện nội tâm sâu sắc để bạn tìm ra điều bạn muốn, từ đó đặt ra được mục tiêu cho quãng thời gian sắp tới, càng cụ thể càng tốt.
5. S: Set Goals: đặt mục tiêu
Hãy ngồi xuống với một tờ giấy, và viết ra cụ thể những mục tiêu của bạn.
Ví dụ: bạn nhận thấy ngoài công việc ổn định, bạn còn muốn cống hiến cho cộng đồng. Trong vòng 2 năm tới, bạn muốn mình có mặt trong một tổ chức thiện nguyện chất lượng.
Ví dụ: bạn muốn có một căn nhà của riêng mình, bạn đặt mục tiêu trong 5 năm tới sẽ mua được 1 căn hộ.
Ví dụ: bạn muốn một partner xịn xò hợp với hệ giá trị của bạn, chứ không chỉ là một ông chồng danh nghĩa. Chính xác chân dung về anh ấy như thế nào? Bạn muốn trong 2 năm tới sẽ tìm được người này.
Mục tiêu càng cụ thể càng tốt, có kèm thời gian. Rà soát lại chúng sau khi viết ra để tính toán mức độ khả thi, và chỉnh sửa cho phù hợp với ranh giới cá nhân, hệ giá trị cá nhân cũng như tình hình thực tế của bạn. Nhưng hãy cứ mạnh
dạn nhé.
6. S - Search: bắt đầu tìm kiếm giải pháp nào.
Mọi mục tiêu đều sẽ có giải pháp miễn nó được lên kế hoạch. Đây mới là lúc tìm kiếm cách thức hành động.
Ví dụ: bạn bắt đầu tìm hiểu các tổ chức thiện nguyện từ hôm nay. Một tuần bạn sẽ trải nghiêm hoạt động cùng một nhóm để tham khảo.
Ví dụ: bạn sẽ đặt mục tiêu tài chính theo năm - tháng - tuần - ngày cho kế hoạch mua nhà. Với căn nhà X$, bạn biết mỗi một ngày làm việc bạn cần kiếm được bao nhiêu, tiết kiệm bao nhiêu, bao lâu thì sẽ đạt đích. Để tăng tốc, bạn cần làm gì? Để tạo ra thu nhập như thế, bạn có thể phát triển các nguồn thu như thế nào? Để phát triển các nguồn thu như vậy, bạn cần phát triển bản thân theo hướng nào? Có điều gì cần chỉnh sửa, bổ sung không? Trả lời các câu hỏi này rồi sau đó an tâm làm việc lao động đúng lộ trình nhé.
Ví dụ: để tìm partner biết chơi nhạc, thích uống trà như mong muốn, bạn sẽ tham gia câu lạc bộ âm nhạc, câu lạc bộ tìm hiểu về trà, bạn sẽ năng tới các quán trà nổi tiếng, và bạn cũng sẽ tự học hỏi thêm về âm nhạc và trà. Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu. Để có partner khoẻ mạnh, bạn sẽ năng tập thể thao, có mặt ở các phòng tập, tham gia các hoạt động thể chất.
Tất cả các bước trên là tương đối đơn giản, dễ làm để bạn có thể bớt stress kha khá, sau đó có những sự rõ ràng nhất định trong tâm trí, biết mình muốn gì, cần làm gì, có thể làm gì, từ đó dựng được cho bản thân những kế hoạch chi tiết cụ thể. Có một thời gian biểu phù hợp, nề nếp, biết mình đang mỗi ngày tiến gần hơn với điều mình muốn, ngoài ra biết tận hưởng hạnh phúc giản dị trên hành trình, mong là bạn sẽ thấy ổn hơn. Chúc bạn nhiều sức mạnh để bước phơi phới giữa đời, bước luôn cùng những khủng hoảng nhé!
Comments