[Bài viết này được soạn trên quan điểm cá nhân]
Luyện cho em bé tự nằm riêng trong nôi từ khi sơ sinh, để bé khóc tới lúc tự ngủ còn được gọi là phương pháp Cry - it - out. Gần đây phương pháp này rất thịnh hành ở Việt Nam, đi kèm theo nó cũng có rất nhiều tranh cãi. Hôm nay mình sẽ chia sẻ về vấn đề này dưới góc nhìn năng lượng.
Khi con trẻ được sinh ra, các thể năng lượng của bé chưa gắn kết chặt chẽ với nhau, aura của bé dù trong trẻo nhưng lại mỏng yếu. Điều này giúp bé có thể cảm thụ được thế giới xung quanh một cách dễ dàng. Đơn giản thôi, chúng ta hình dung hào quang xung quanh bé như một lớp áo giáp còn mỏng manh, dễ xâm nhập. Bé có thể cảm nhận được trạng thái của không gian và cảm xúc của mọi người (việc này có thể thấy rất dễ khi những người chăm sóc có tâm lý tích cực, không gian bé ở có năng lượng tốt lành thì bé cũng sẽ vui vẻ, và ngược lại). Tác dụng phụ của việc này là bé cũng dễ bị tấn công năng lượng. Các dạng năng lượng tần số thấp có thể tiến vào trường năng lượng cá nhân của bé, làm bé sợ hãi, quấy khóc, ảnh hưởng tâm lý, thậm chí ảnh hưởng sức khoẻ. Như các cụ nói thì là bị dính "vía". Hoạt động đốt vía chính là dùng lửa để thanh tẩy phần nào những dính mắc năng lượng này.
Khi bé còn yếu ớt như thế, bé cần được bảo vệ trong trường năng lượng của bố mẹ, nhất là người mẹ. Bé cần được ôm ấp bế ẵm, cần được ngủ gần mẹ, trong vòng tay mẹ. Lúc này kết nối giữa mẹ và bé vẫn còn rất mạnh, bé vẫn hình dung mình là một phần của mẹ. Bé sẽ được an toàn về năng lượng và an tâm về tâm lý khi được mẹ bao bọc.
Bản thân người mẹ lúc này cũng đang rất yếu đuối về năng lượng lẫn sức khoẻ, các huyệt đạo mở tung, trường năng lượng có khi còn bị rách toạc nếu sinh nở khó khăn, vậy nên mẹ cũng cần được bảo vệ năng lượng. Việc "ở cữ" mà các cụ hay dặn dò bản chất chính là tạo một vòng bảo vệ cho mẹ để từ đó mẹ nhanh phục hồi và bảo vệ được bé. Truyền thống ở cữ, kiêng khem do được truyền lại chỉ với các biểu hiện rập khuôn, không được trao truyền kiến thức nguyên lý vận hành nên mới tạo nên nhiều sự khó chịu trong nhiều trường hợp, còn nếu thực hành hiểu nguyên lý thì sẽ rất hiệu quả. Tuỳ thổ nhưỡng, khí hậu, trạng thái năng lượng của khu vực, nhà ở, sức khoẻ nền của mẹ, ... mà các biện pháp bảo vệ này có thể thay đổi linh hoạt khác nhau, nhưng nhìn chung vẫn theo một lý do chung: tạo không gian an toàn cho mẹ và bé, hồi phục các cơ thể năng lượng của mẹ.
Quay trở lại câu hỏi chính của bài viết: vậy ta có nên luyện cho bé tự ngủ từ sớm không? Câu trả lời của mình đó là không nên.
Chưa tính tới việc em bé sẽ không được mẹ bảo vệ về năng lượng và dễ bị tấn công, việc em bé ngủ riêng quá sớm cũng có thể tạo căng thẳng không cần có cho mẹ khi phải để mặc bé khóc. Việc này đi ngược lại với bản năng của người mẹ.
Hành động này cũng đi ngược với bản năng của em bé. Bộ gen của chúng ta vẫn y như thời nguyên thuỷ. Với em bé, khóc lên khi buồn ngủ và được mẹ ôm ấp cho nằm cạnh là một niềm hạnh phúc thoả mãn cảm xúc vô cùng. Nỗi sợ bị bỏ rơi là một trong những nỗi sợ lớn nhất của loài người. Bạn có thể tưởng tượng em bé khóc khi buồn ngủ và chờ mãi không thấy mẹ đâu, bé quá mệt và buộc phải ngủ một mình. Nhiều lần như vậy tới khi bé buộc phải quen. Trong lúc đó, phần não bò sát của bé phản ứng y như với tình huống bé bị bỏ trong rừng một mình, khóc và không thể tìm thấy mẹ. Việc huấn luyện này là không thật sự cần thiết chỉ để đạt được kết quả là bé có thể tự ngủ.
Một em bé được yêu thương chăm sóc đúng cách, mẹ và không gian có trạng thái năng lượng tốt thì sẽ luôn ngủ ngon cho dù cách đi vào giấc ngủ có là mẹ cho ti hay ôm ngủ. Nếu bé bị giật mình, khóc quấy, khó ngủ thì có thể là do giai đoạn sinh lý, biểu hiện của vấn đề sức khoẻ hoặc do năng lượng từ những người chăm sóc và không gian, chứ không phải là do mẹ không luyện ngủ.
Còn nếu bạn vẫn muốn luyện cho bé ngủ riêng trong nôi từ sớm bằng cách để bé khóc rồi tự ngủ thì sao? Đây sẽ là một số điểm bạn có thể lưu ý:
1. Không gian năng lượng nơi phòng ngủ của bé và những người bé tiếp xúc phải đảm bảo: đảm bảo không gian được thanh tẩy sạch sẽ, ở tần số cao đủ an toàn, những người tiếp xúc với bé đều ở trạng thái khoẻ mạnh tích cực.
2. Duy trì kết nối giữa mẹ và bé: đảm bảo bé được mẹ ôm ấp, vỗ về yêu thương đủ khi thức dậy, để bé không bị bất an, chơi vơi khi phải tách mẹ. Thời gian bé chuẩn bị chìm vào giấc ngủ cũng cần mẹ ở bên quan tâm bé.
Và cho dù bạn có đảm bảo được tất cả những điều kiện này, thì Cry - it - out vẫn là một phương pháp mình không khuyến khích. Những lợi ích như bé ngủ sâu hơn, mẹ có thời gian làm việc riêng,... đều quá ít so với những rủi ro mà nó mang lại. Việc rèn cho bé ngủ riêng trong nôi có phần nào sẽ nhẹ nhàng hơn nếu mẹ vẫn ôm ấp, cho bé bú,... tới khi bé chìm vào giấc ngủ, sau đó mẹ có thể nhẹ nhàng rời khỏi phòng ngủ với điều kiện căn phòng an toàn về năng lượng.
Làm mẹ là một hành trình thiêng liêng. Được ôm con ngủ, vỗ về con cũng là một niềm hạnh phúc. Nếu tính nữ trong mẹ được giải phóng, trạng thái của mẹ tốt thì mẹ sẽ thấy niềm vui trào dâng mỗi lần ôm con, để con nằm bên cạnh khẽ ngủ. Lúc này mẹ cũng có thể nghỉ ngơi. Con sẽ bắt đầu tự ngủ được một cách tự nhiên khi con dần lớn lên - không phải là khi còn quá bé bỏng.
Bài viết này chắc chắn sẽ nhận được các phản ứng trái chiều. Bản thân mình cũng quan sát từ kinh nghiệm cá nhân: mình cũng từng luyện cho con tự ngủ khi sinh bé đầu, sau đó theo dõi quá trình chuyển hoá năng lượng của cả 2 mẹ con và từ bỏ.
Và cho dù chọn phương pháp nào, chắc chắn rằng tình yêu thương của mẹ nếu đủ lớn sẽ luôn nuôi dưỡng bao bọc cho con. Chúng ta không nên lên án hay phán xét cách nuôi con của mỗi bà mẹ. Họ đều đang làm việc tốt nhất họ có thể làm rồi. Hãy tôn trọng họ.
Comments