top of page
Ảnh của tác giảNga Phạm

Làm thế nào để hết chán?

1. Chán nản là một trạng thái thường gặp, nhưng chẳng mấy khi được đón chào. Hầu như không có ai thích rơi vào cảm giác chán nản cả.



Chán là khi ta bỗng thấy tâm trạng chùng xuống, động lực biến mất, mọi thứ trở nên nhạt nhẽo, cả thế giới bỗng dưng vô vị cực kỳ. Ta không muốn làm gì, nghĩ gì cả. Khi chúng ta chán, thường ta sẽ tìm đủ mọi cách để hết chán, bởi cảm giác chán nản thật sự rất uể oải, rất thiếu sức sống, lại cản trở tới học hành hay công việc rất nhiều.



2. Tại sao chúng ta lại thấy "chán"?



Trước tiên chúng ta hãy thử cùng nhìn về trạng thái "chán" dưới góc nhìn năng lượng một chút. Ở đa số các trường hợp, "chán" là một dấu hiệu cho thấy thể năng lượng của chúng ta đang cần được nghỉ ngơi. Có một số nguyên nhân thường gặp của tình trạng này như là:



- Cơ thể vật lý mệt mỏi.


- Thể sinh lực cạn kiệt về "khí", thiếu sức sống.


- Cảm xúc bị quá tải.


- Tâm trí quá đầy bởi những suy nghĩ lo lắng, không còn khoảng trống để thư giãn.


,..........



Và những lúc này, chúng ta sẽ như một cỗ máy sắp hết pin. Cỗ máy đưa ra cảnh báo: bạn cần nghỉ ngơi để sạc pin một lát. "Chán" chính là tín hiệu ấy.



Mặc kệ bộ não của chúng ta có thúc ép ta đứng dậy hoạt động tiếp, nói với ta rằng ta không được phép chán nản như thế nào đi chăng nữa, "chán" vẫn xuất hiện như một biển báo giao thông khổng lồ, rõ nét, gắn đèn led lấp lánh. Ta không thể bỏ qua nó được.



Thực tế là: càng tìm cách để đỡ chán, thì ta càng dễ chán nản thêm, hoặc mệt mỏi thêm dẫn tới nhiều cơn chán xuất hiện sau đó. Mọi hoạt động náo nhiệt gây phân tán sự chú ý của chúng ta nhằm "hết chán" như cố xem phim, đọc truyện, đi chơi, cố làm việc gì đó hoạt náo,... đều chỉ là hành động gây xao nhãng tức thời. Cơn chán sẽ xuất hiện ngay khi các yếu tố thay thế biến mất.



3. Vậy thì làm thế nào để hết chán đây?



Câu trả lời đơn giản đó là: để hết chán, ta cần chán trước đã. Ta cần cứ thể bước thẳng qua cơn chán.



Cụ thể hơn đó là: bạn cứ việc ngồi chán thoải mái trong một khoảng thời gian nhất định, trong không gian an toàn, mà không cần phải phán xét, buộc tội, nghi ngờ bản thân hay thúc ép bản thân phải ngay lập tức hết chán.



Bạn có thể làm thế chứ - cho bản thân được phép chán hết cỡ một lần. Ngồi đó, không làm gì thêm cả mà chỉ chán thôi. Bạn cảm nhận cơn chán như ngấm vào từng tế bào của bạn, nhịp tim chậm lại, huyết áp giảm nhẹ, hơi thở dịu đi, cả cơ thể xẹp xuống như một quả bóng xì hơi. Bạn ngồi đó nhìn bản thân mình đang chán nản hết sức.



Rồi bạn sẽ thấy, một khi cơn chán nản được cho phép xuất hiện, nó sẽ sớm biểu hiện trên thân và tan đi tự lúc nào bạn chẳng hay. Một cơn chán lành mạnh thường chỉ kéo dài 15 20 phút. Nó sẽ lặp lại nếu nguyên nhân gây chán vẫn còn đó - nhưng theo tần suất và cường độ giảm dần. Chỉ khi cơn chán bị đè nén lâu ngày, bị kích thích, biến tướng, dần thành các triệu chứng tâm lý đáng lo ngại khác như là rối loạn lo âu hay trầm cảm, với thời gian kéo dài tính bằng tuần thì chúng ta mới cần có các can thiệp chuyên môn. Lúc này bạn sẽ cần có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Còn với đa phần các cơn chán nản thông thường, một khoảng thời gian cho phép bản thân được chán rồi sau đó hít thở sâu sẽ giải quyết được kha khá.



Để rồi sau khi cảm giác chán nản đã dịu đi, chúng ta có thể quay về tìm hiểu nguyên nhân gốc và đối diện xử lý chúng trong tỉnh táo.



4. Một số lưu ý sẽ giúp ta "làm bạn" với cơn chán nản một cách thân thiện hơn:


- Lưu một list nhạc dễ chịu để nghe những lúc chán.


- Lập danh sách những việc có thể làm khi chán và sau khi chán: đây sẽ không phải là những việc nhằm mục đích "hết chán cho bằng được", mà là để "vừa chán vừa làm" => điều này giúp cơn chán nản không ảnh hưởng tới sinh hoạt hay công việc quá nhiều. Ví dụ như khi chán nản tôi sẽ viết lách một chút, và thường viết được nhiều điều sâu sắc hơn những lúc tôi vui.


- Duy trì nề nếp giờ giấc sinh hoạt và tập luyện: điều này giúp giữ một nền tảng để cơn chán nản không quật ngã được chúng ta. Chán thì chán, đúng giờ ăn hãy vừa chán vừa ăn, đúng giờ ngủ hay tạm gác sự chán lại để đi ngủ. Tới giờ làm việc, hãy chọn các đầu việc không cần quá nhiều năng lượng tích cực để hoàn thành, vừa chán vừa làm được.


- Tranh thủ làm nũng: không có gì tuyệt vời hơn khi chúng ta chán nản, xị ra như một miếng bánh nhúng nước mà ở bên lại có người sẵn sàng yêu thương an ủi chúng ta => thời điểm tốt nhất để làm nũng đây rồi!



5. Và sau đó khi đã đi qua cơn chán được vài lần, ta sẽ dần thấy chán nản cũng có ích lợi riêng của nó - như một đèn đỏ để ta được chậm lại nghỉ ngơi. Và chúng ta đều là những người bình thường, thỉnh thoảng thấy chán vu vơ cũng là rất bình thường, đừng vội nghĩ rằng bản thân là kém cỏi khi lỡ thấy chán nản một chút nhé!



6. Dám "chán nản" một cách vô tư cũng là một loại dũng cảm! Vừa chán vừa ăn ngon ngủ yên chính là một loại sức mạnh! Khi chán nản mà biết quan tâm chăm sóc bản thân, hay có ai đó chăm chút cho ta, đó là một loại hạnh phúc!



Đừng quá kỳ thị sự "chán"!



4 lượt xem0 bình luận

Bài đăng gần đây

Xem tất cả

Comments


bottom of page